Làm solopreneur thực tế như thế nào?
Chia sẻ sau gần 18 tháng kinh doanh chuyên môn độc lập toàn thời gian
Bạn muốn bắt đầu một hành trình kinh doanh chuyên môn độc lập? Đừng chỉ mơ mộng. Hãy lắng nghe người đã trải qua - chính là mình - người vừa trải qua gần 18 tháng kinh doanh chuyên môn độc lập toàn thời gian. Và bài viết này là để mình bộc bạch một phần trải nghiệm của bản thân.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn bối cảnh của mình, xin giới thiệu ngắn về kinh nghiệm làm việc. Trước khi trở thành solopreneur, Dung có 8 năm làm việc qua 4 startup khác nhau về công nghệ giáo dục. Mình cũng có hơn 3 năm là co-founder và CEO cho một ứng dụng công nghệ. Mình không học về kỹ thuật hay quản trị kinh doanh, nhưng môi trường startup nhiều năm đã cho mình nếm trải đủ các vị trí từ nhập liệu, cắt chỉnh audio, R&D, BA, marketing, chăm sóc khách hàng, chạy sự kiện, kinh doanh, quản trị tài chính, quản trị rủi ro…
Tháng đầu tiên bắt đầu hành trình solopreneur, mình nghĩ: "Mình có chuyên môn, có ý tưởng, có động lực, lại có kinh nghiệm khởi nghiệp, quá tốt rồi! Mình sẽ chạy rất nhanh." Sai rồi. Những gì mình ước mình biết sớm hơn không được viết trong sách kinh doanh nào. Chúng được viết bằng những đêm thức đến 2 giờ sáng và những buổi sáng thức dậy với 0 đồng trong tài khoản.
1. Bạn không có đồng sáng lập, nhưng vẫn cần có người đồng hành đúng đắn
Solopreneur có nghĩa là bạn một mình chịu trách nhiệm cuối cùng, nhưng không có nghĩa là bạn phải cô đơn trong hành trình.
Bạn vẫn cần người đồng hành. Cố vấn để định hướng khi bạn bối rối. Cộng sự , trợ lý khi workload quá tải. Cộng đồng để không cảm thấy mình là kẻ điên duy nhất làm việc này.
Nhưng đây là bài học quan trọng: hãy chọn người có giá trị tương đồng và niềm tin vào con đường bạn đang đi, hơn là chỉ chọn người giỏi nhất.
Trước đây khi làm việc, mình từng hợp tác với người cực kỳ thông minh nhưng luôn hoài nghi về hướng đi của mình. Khi không cảm thấy thích thú, cô ấy bỏ ngang dự án, dẫu đó có thể là một dự án đang chạy. Nhiều cuộc họp trở thành phiên tòa xét xử ý tưởng và trách nhiệm. Mình dần mất luôn niềm tin vào bản thân khi làm việc với cộng sự như vậy.
Rút kinh nghiệm từ những sai lầm khi chọn người, mình xác định người cộng sự cùng đi đường dài với mình nhất là người không quá xuất sắc về kỹ thuật hay chuyên môn, nhưng luôn giữ tinh thần "làm đến cùng". Khi mình nói "mình tin vào điều này", họ không hỏi "tại sao" mà hỏi "cần mình làm gì” để nó thành sự thật. Những điều ấy cổ vũ niềm tin của mình rất nhiều, đặc biệt là khi khởi tạo và xây dựng business. Ta không cần cộng sự xuất sắc hay luôn khen ngợi mình, mà điều mình muốn nhấn mạnh đó là niềm tin. Khi cùng nhau xử lý, tự chúng mình sẽ nhìn ra có vấn đề hay không và có khả thi không.
Bài học sâu xa: Trong hành trình solopreneur, kỹ năng có thể học được, nhưng niềm tin thì không. Hãy bao quanh mình bằng những người tin vào khả năng bạn tạo ra điều gì đó có ý nghĩa.
2. Solopreneur chiếm trọn cuộc sống của bạn
Hãy quên đi khái niệm work-life balance, dù ban đầu khi chọn làm solopreneur bạn có thể nghĩ để đạt được mục đích này. Thực tế không phải.
Khi bạn là solopreneur, ranh giới giữa "giờ làm" và "giờ nghỉ" tan biến như băng tuyết mùa hè. Bạn sẽ mang ý tưởng, suy nghĩ, sản phẩm của mình trong đầu đi khắp nơi: từ lúc nấu ăn, ru con ngủ, đến cả khi ngồi café với bạn bè.
Có giai đoạn mình vừa làm kịch bản khóa học, vừa viết post bài, vừa trả lời tin nhắn Zalo khách hàng trong khi con ốm ngồi cạnh. Nghe có vẻ hỗn loạn? Hay có nhiều tuần mình ngồi lỳ ở ghế từ sáng đến chiều, rồi cả đêm để đọc, để học thêm vì thấy bao la quá trời thứ mình không biết. Nghe như làm đến kiệt sức! Đúng vậy. Nhưng đó là lúc mình nhận ra điều này: khi bạn thật sự yêu điều mình làm, nó không phải là "gánh nặng". Nó trở thành một phần tự nhiên của mình.
Điều kỳ lạ là: những người bạn có công việc ổn định sẽ thương hại bạn vì "không có cuộc sống riêng", trong khi bạn lại thương hại họ vì phải ngồi làm nhiều việc nhàm chán và tham gia nhiều cuộc họp vô nghĩa 8 tiếng một ngày.
Điều này dẫn đến một thực tế cần đối mặt: Solopreneur không phù hợp với ai cũng được. Nếu bạn là người cần sự tách biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống, thì có lẽ hành trình này không dành cho bạn. Và điều đó hoàn toàn bình thường.
3. Cảm xúc sẽ thử thách sức chịu đựng của bạn
Nếu bạn nghĩ mình đã hiểu thế nào là "thăng trầm cảm xúc", hãy đợi đến khi trở thành solopreneur. Một buổi sáng bạn thấy đơn hàng nổ trong tài khoản - bay lên tận mây xanh. Chiều đó viết bài mà không một ai tương tác - mood tụt xuống đáy biển không phanh.
Mình từng có ngày vừa hoàn thành buổi mentoring tuyệt vời, khách hàng feedback rằng "cuộc sống mình thay đổi hoàn toàn", thì ngay sau đó nhận tin nhắn từ chối tham gia chương trình của một khách hàng mà mình đã dành nhiều nỗ lực để trò chuyện. Nỗi lo về tài chính quay lại như sóng thần.
Bạn không phải bất thường đâu nếu hôm nay thấy mình là người có sứ mệnh thay đổi thế giới, hôm sau thấy mình chỉ là kẻ thất bại đang cố gắng bơi trong vô định. Mình đã nhiều lần trải qua cả hai cảm giác này trong cùng một ngày.
Nhưng đây là điều thú vị: Chính những thăng trầm này sẽ rèn luyện cơ chế phòng vệ cảm xúc của bạn. Sau một thời gian, bạn học được cách không để thành công làm bạn kiêu ngạo và không để thất bại làm bạn tuyệt vọng. Đó là kỹ năng sống mà không trường đại học nào dạy được.
4. Nhưng khi vui, bạn sẽ vui theo cách mà một người làm văn phòng không bao giờ hiểu được
Niềm vui của solopreneur không giống niềm vui của người làm văn phòng. Không phải vì được tăng lương, không phải vì được khen ngợi từ sếp. Mà vì bạn thấy mình có thể tạo ra giá trị từ chính trải nghiệm sống và tri thức của mình.
Mình chưa từng thấy công việc nào mà mỗi lần sản phẩm ra mắt lại mang đến cảm giác tự hào sâu sắc đến vậy. Đó không chỉ là sự tự hào vì làm được việc khó, mà còn là niềm vui vì bạn đã tạo ra thứ gì đó từ con số 0. Từ một ý tưởng trong đầu đến một sản phẩm thực sự giúp được người khác.
Và đây là điều bí mật: Cảm giác này sẽ nghiện. Một khi bạn đã trải qua việc tạo ra giá trị bằng tài năng của chính mình, việc quay lại văn phòng và đi làm công ăn lương sẽ cảm thấy như mặc áo quá chật.
5. Kiên trì là siêu năng lực duy nhất bạn thực sự cần
Đây là điều mình muốn viết bằng chữ in hoa: KIÊN TRÌ QUAN TRỌNG HƠN MỌI CHIẾN LƯỢC.
Mình từng nghĩ: chỉ cần có chiến lược thông minh, framework đúng đắn, tips và tricks từ các guru, là sẽ thành công. Nhưng thực tế đơn giản mà tàn khốc: thành công của solopreneur đến từ việc lặp đi lặp lại những việc nhỏ, ngày này qua ngày khác, kể cả khi không thấy kết quả ngay lập tức.
Có những tuần mình không bán được gì, không ai trả lời email, post Facebook không một tương tác, bản tin không thu hút thêm subscriber mới, ý tưởng bế tắc trong đầu. Nhưng mình vẫn viết, vẫn chia sẻ, vẫn tinh chỉnh bản brainstorm các ý tưởng. Một tháng sau, một khách hàng tìm đến, nói họ đã theo dõi mình suốt 3 tháng và quyết định mua vì "thấy bạn không bao giờ biến mất".
Insight quan trọng: Trong thế giới đầy rẫy những người bỏ cuộc sau 3 tháng, việc bạn còn ở đó sau 6 tháng, 12 tháng, hơn thế… đã là một lợi thế.
Sự kiên trì là một lợi thế cạnh tranh mà khó ai có thể sao chép được.
6. Thời gian sẽ dạy bạn bài học về tính nhẫn nại
Nếu bạn từng làm nhân viên văn phòng, bạn quen với việc nhận kết quả trong timeline có thể dự đoán: làm các task trong tuần, nhận feedback cuối tuần, nhận lương cuối tháng. Solopreneur hoàn toàn khác.
Mình từng nghĩ mình sẽ có 1.000 subscriber sau 2 tháng. Thực tế? Là 6 tháng. Mình nghĩ sẽ ra được sản phẩm hoàn chỉnh trong 1 tháng. Thực tế? 4 tháng để có version đầu tiên, và 8 tháng để có version mình thực sự hài lòng. Chúng ta làm mọi thứ lâu hơn ta tưởng rất nhiều.
Nhưng đây là điều thú vị: Khi bạn học được cách chấp nhận nhịp điệu chậm hơn này, trái ngược với mong đợi, bạn lại làm việc hiệu quả hơn. Bạn ngừng vội vã, ngừng lo lắng quá mức khi không thấy kết quả ngay lập tức, và bắt đầu tập trung vào chất lượng từng bước đi.
Solopreneur giống leo núi hơn là chạy tốc độ. Nếu bạn muốn có kết quả tức thì, hãy đi làm nhân viên bán hàng.
7. Bạn sẽ trở thành một con dao Thuỵ Sỹ
Để bán được một sản phẩm nhỏ, bạn thậm chí sẽ phải thực hiện ít nhất 10 kỹ năng khác nhau.
Mình đã phải học thiết kế trên Canva (và phát hiện ra mình không có năng khiếu nghệ thuật), thiết lập máy quay, mic, webcam, đèn, học làm website (dù đó chỉ là kéo thả), làm chăm sóc khách hàng (làm việc với sự trắc ẩn và thấu đáo), setup email tự động (chào mừng đến với thế giới của email marketing), viết landing page (học tâm lý kết hợp với copy writing)…
Cá nhân Dung có sự đồng cảm ở ý này vì với thế giới startup thì một người cốt cán cũng cần đa nhiệm như vậy. Và đây chính là điều làm người kinh doanh cá nhân trở nên kiên cường bền bỉ. Bạn không phụ thuộc vào ai cả. Bạn có thể tự giải quyết 80% vấn đề.
Điều học được: Biết nhiều thứ nhưng không tinh thông cái nào vẫn tốt hơn tinh thông một thứ nhưng không biết gì khác. Trong thế giới khởi nghiệp, khả năng thích ứng thắng thế so với chuyên môn hóa sâu.
8. "Perfect" là kẻ thù của "Done"
Sản phẩm đầu tiên của mình không hoàn hảo. Slide thiết kế trong 10 tiếng, âm thanh chất lượng kém, nội dung được viết trong 5 đêm thức trắng. Nhưng nó mở ra mọi cánh cửa.
Trong khi mình đang căng thẳng về việc "sản phẩm chưa đủ tốt", có 30 khách hàng đã sẵn sàng mua phiên bản đó. Trong khi mình đang lo lắng về những nội dung mình sợ còn thiếu, người học đã bắt đầu có phản hồi tích cực.
Thị trường không cần hoàn hảo. Thị trường cần hữu ích. Và hữu ích có thể rất không hoàn hảo.
Đừng chờ đến khi có trang web đẹp, đủ người theo dõi, ảnh đại diện chuyên nghiệp, sản phẩm bao xịn xò rồi mới ra mắt. Ra mắt thứ bạn có, càng sớm càng tốt. Vì chỉ có thị trường mới có thể dạy bạn nên làm gì tiếp theo. Những giả thuyết trong đầu bạn, 90% sẽ sai.
9. Khách hàng chính là trường Đại học tốt nhất cho solopreneur
Đừng nghĩ khách hàng chỉ có vai trò "mua" rồi "xong". Sai lầm lớn đó. Khách hàng chính là những giáo sư trong trường kinh doanh mà bạn đang học.
Sau khi mở một cuộc gọi hay khảo sát đơn giản để hỏi phản hồi feedback, mình nhận ra: họ có những hiểu biết sâu sắc cực kỳ quý giá mà mình chưa từng nghĩ tới. Họ sử dụng sản phẩm theo cách mình không dự đoán. Họ gặp những điểm đau mà mình không lường trước. Họ có những nhu cầu mà mình không nhận ra.
Từ đó mình luôn lắng nghe: hỏi, ghi lại, và quan trọng nhất dùng chính ngôn ngữ của họ để cải tiến sản phẩm. Mình có thói quen record lại mọi cuộc trò chuyện với khách hàng và dùng AI viết lại bản recap để lưu trữ và gửi lại nếu khách hàng cần. Thói quen ấy tích luỹ cho mình vô số tài sản về dữ liệu khách hàng.
Khách hàng không chỉ mua sản phẩm. Họ mua giải pháp cho vấn đề của họ. Nếu bạn hiểu vấn đề của họ sâu hơn chính họ, bạn đã thắng cuộc chơi.
10. Linh hoạt là DNA của một solopreneur thành công
Mình bắt đầu với một ý tưởng hoàn toàn khác so với những gì mình đang làm ngày hôm nay. Xoay hướng (pivot) không phải là thất bại. Nó là sự tiến hóa.
Người kinh doanh chuyên môn độc lập không có bảng kế hoạch 5 năm cố định như các công ty, tập đoàn. Bạn là thuyền trưởng, nhưng cũng phải là người quan sát gió và điều chỉnh buồm. Ý tưởng ban đầu chỉ là giả thuyết. Phản hồi thị trường là kết quả thí nghiệm. Khách hàng thực tế là những người xác thực cuối cùng.
Câu nói mình thích nhất: "Kế hoạch không có giá trị, nhưng việc lập kế hoạch thì có." Bạn cần có hướng đi, nhưng đừng cứng nhắc với lộ trình. Hãy xoay cho đến khi tìm được điểm cân bằng giữa điều bạn giỏi, điều bạn yêu, và điều thế giới cần.
Vậy nên kinh doanh chuyên môn độc lập là cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút.
Làm kinh doanh cá nhân không dễ, không ngắn, và chắc chắn không dành cho người mơ hồ. Nhưng nếu bạn sẵn sàng học, sửa, lặp lại, và tin vào con đường riêng mình đang đi thì không có hành trình nào thỏa mãn hơn.
Và đây không phải là con đường cho những ai muốn giàu nhanh. Đây là con đường cho những ai muốn tự do thực sự: tự do sáng tạo, tự do lựa chọn, và tự do thất bại một cách đẹp đẽ.
Suy nghĩ cuối cùng của Dung: Trong thế giới đầy rẫy những người chờ đợi thời điểm hoàn hảo để bắt đầu, việc bạn bắt đầu với sự chuẩn bị chưa hoàn hảo đã là một lợi thế cạnh tranh. Bởi vì hành động luôn thắng sự hoàn hảo.
Tái bút: Nếu sau khi đọc bài này mà bạn vẫn muốn bắt đầu hành trình kinh doanh cá nhân với sản phẩm chuyên môn của mình, thì chào mừng gia nhập hội. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra những điều có ý nghĩa từ những ý tưởng điên rồ trong đầu.
🤪 Điều điên rồ đầu tiên, sáng tạo sản phẩm và mở bán trong 10 giờ? Tại sao không thể? Đã có 200+ người làm điều ấy, bạn thì sao?
bạn đang viết những điều mình đang trải qua. có khác là mình vẫn đang làm corporate và làm side hustle vào buổi tối. KIÊN TRÌ LÀ SIÊU NĂNG LỰC DUY NHẤT .