Tháng 3 vừa rồi mình quyết định làm website để quy hoạch các sản phẩm và chương trình chuyên môn của mình. Nội dung đã có sẵn trong đầu. Một buổi chiều mình viết là xong. Gửi cho bên kỹ thuật. Review ba lần. Mọi thứ trơn tru. Mình tính toán: 3 tuần là đủ.
Nhưng cuối cùng?
Mất 3 tháng và giờ vẫn chưa xong.
Không phải vì bên kỹ thuật làm chậm. Không phải vì thiếu người hỗ trợ. Mà vì… mình đã viết nội dung nhiều hơn một buổi chiều là xong, và việc review cũng ngốn nhiều thời gian hơn cả mình nghĩ dù mới qua 2 lần review. Rồi thì mình bận việc khác chen ngang. Việc nhỏ hoá lớn. Việc không tên xuất hiện liên tục.
Và đó là một bài học cũ mà mình lại được nhắc nhớ: Mọi thứ luôn mất nhiều thời gian hơn bạn tưởng.
Không chỉ website. Làm khoá học cũng vậy.
Bạn có thể tưởng tượng: "Viết nội dung thôi mà, chắc một tuần là xong." Hoặc: "Mình biết học viên của mình là ai rồi, đâu cần suy nghĩ thêm."
Nhưng rồi thực tế lại như thế này: 3 ngày chỉ để xác định chân dung học viên thật sự mình muốn hướng đến. Một tuần trăn trở giữa hai hướng cấu trúc bài học. Một buổi sáng dành để viết xong video script... rồi xoá hết vì thấy không “ra chất”. Và vô số lần bạn bật máy tính lên, định làm – rồi tắt đi vì chưa có mood.
Chúng ta đều đang học cách để làm cho đúng. Và thường, cách đúng đó không đến từ việc "làm nhanh hơn" mà đến từ việc "hiểu sâu hơn".
Khi làm sản phẩm chuyên môn để kinh doanh độc lập, bạn không chỉ đang viết nội dung, hay lắp ghép các phần. Bạn đang làm rõ mình muốn giúp ai, ở chặng nào trong hành trình. Chọn đúng cách tiếp cận và truyền đạt phù hợp với họ. Đặt ra mục tiêu chuyển hoá, không phải chỉ “cho đủ bài.” Và phải vừa làm vừa đối thoại với chính mình: “Đây có thực sự là cách mình muốn thể hiện không?”…
Tất cả những điều đó đều tốn thời gian – nhưng là thời gian rất đáng giá.
Thời gian bạn cần không chỉ để làm, mà còn để lấy đà. Những ngày đầu trở lại với task bị dang dở, cần thời gian để vào guồng. Bạn không thể viết landing page trong 10 phút ngắt quãng. Cần 2 tiếng không bị làm phiền. Rất nhiều giờ được dùng để "nghĩ xem nên làm gì", chứ không phải "làm ngay cái gì".
Khi xây dựng sản phẩm tri thức, có lúc bạn mất thêm thời gian vì thay đổi cấu trúc, khung nội dung hay chiến lược… và điều đó hoàn toàn bình thường. Sẽ có những buổi bạn làm 3 tiếng chỉ để nhận ra: cách này không hiệu quả. Và cũng có lúc, đơn giản là bạn cần nghỉ, để lấy lại năng lượng.
Vấn đề không chỉ là thời gian kéo dài. Mà là bạn không đoán trước được những thứ sẽ phát sinh. Như định luật Murphy từng nói: "Nếu một việc có thể diễn biến sai, nó sẽ diễn ra – đúng vào lúc ta không ngờ tới." Không phải bạn dở. Mà vì… vũ trụ vốn vậy. Và nếu đã biết điều này là hiển nhiên, thì phần việc của ta là: dự phòng thay vì trách móc.
Khi lập kế hoạch cho một sản phẩm, dù là khoá học, website, hay ebook đầu tay, đừng chỉ lên kế hoạch theo deadline. Hãy nhìn vào số buổi thực sự có thể ngồi xuống và làm việc sâu với nó. Chừa thêm thời gian cho phần không biết là sẽ mất bao lâu. Và thay vì thất vọng khi chưa hoàn thành đúng hạn, hãy hỏi: mình đã có bao nhiêu buổi thực sự làm việc sâu với nó?
Thay vì chỉ tính thời gian làm, hãy tính cả thời gian phòng ngừa sai sót.
Ví dụ khi xây sản phẩm, ngoài câu hỏi “Bao giờ sẽ xong?” thì sẽ là các câu tiếp nữa như:
“Chỗ nào có thể hỏng?”
“Nếu giữa chừng đổi ý thì mình quay lại từ đâu?”
“Nếu không thể làm theo kế hoạch ban đầu, có đường lùi không?”
Tư duy phòng ngừa không khiến bạn bi quan. Nó khiến bạn vững vàng hơn.
Bạn không lười. Bạn không chậm. Bạn không thiếu kỷ luật. Nhưng chúng ta không theo dõi và chưa lường trước rằng: làm một việc, đặc biệt là việc mới luôn cần nhiều thời gian hơn mình nghĩ.
Và lần sau, bạn sẽ ước lượng tốt hơn. Bởi vì bạn đã đi qua con đường đó rồi và có ý thức về thời gian, độ trễ, sự gián đoạn. Nên khi lên kế hoạch thời gian cho công việc, hãy:
Chừa thời gian để lấy đà.
Chừa thời gian để tập trung.
Chừa thời gian để nghĩ.
Chừa thời gian để gặp những thứ "không biết là mình chưa biết".
Chừa thời gian để học.
Chừa thời gian để... mệt rồi nghỉ.
Chừa thời gian để sửa lỗi.
Và điều này không chỉ áp dụng cho những task nhỏ. Mà còn áp dụng cho những mục tiêu lớn hơn.
Thứ bạn nghĩ sẽ mất vài tuần, có thể mất vài tháng. Thứ bạn nghĩ sẽ xong trong vài tháng, có thể kéo dài cả năm. Thứ bạn nghĩ vài năm là đủ, có khi phải cả thập kỷ.
Bạn không trì hoãn vì bạn không quyết tâm. Bạn chỉ chưa tính đủ biên độ Murphy trong lộ trình của mình. Có task nào bạn từng nghĩ chỉ mất một tuần, nhưng lại mất cả tháng không? Và nếu bạn biết trước điều đó, bạn sẽ làm gì khác đi?
Và bạn à, chậm không phải là thất bại. Bỏ đi ước mơ của mình chỉ vì nghĩ rằng ta quá chậm và trì hoãn, thì có thể đó!