5 bước để "sản phẩm hóa" bản thân và bắt đầu kinh doanh chuyên môn của bạn
Làm đúng bước. Nhất quán đủ lượng. Sự khuếch đại sẽ đến theo thời gian.
Chúng ta đang sống trong một thời đại độc đáo. Bạn có thể kiếm được thu nhập toàn thời gian ngay tại nhà bằng cách chia sẻ chuyên môn của mình trên Internet. Thế giới có nhiều tên gọi khác nhau cho nó, từ gig economy, creator economy, hay expertise economy. Đối với người kinh doanh chuyên môn, mình gọi đây là quá trình sản phẩm hoá bản thân. Và vì thế, bản tin này mới có tên là The Product of You :)
“Sản phẩm hoá bản thân” là quá trình bạn biến kiến thức và kỹ năng của mình thành các sản phẩm và dịch vụ số - và tạo ra doanh thu trực tuyến với tư cách là một doanh nhân độc lập. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ chính xác 5 bước mà mình đã thực hiện để bắt đầu trở thành solopreneur và sản phẩm hoá bản thân mình ra sao.
Bước 1: Xác định một kỹ năng có thể kiếm tiền
Bước đầu tiên là xác định kiến thức và kỹ năng nào của bạn mà mọi người sẵn sàng trả tiền để học hỏi. Đây là lúc nhiều người bắt đầu gặp phải "hội chứng kẻ mạo danh".
Chúng ta thường lầm tưởng rằng kiến thức và kỹ năng của mình là điều hiển nhiên, không đặc biệt, hoặc không đủ giá trị để được trả tiền. Nhưng đó là một sai lầm lớn.
Để giúp bạn xác định kiến thức và kỹ năng nào có thể kiếm tiền, hãy tự hỏi:
Tôi được trả tiền cho kỹ năng hoặc chuyên môn gì trong công việc hiện tại (hoặc trước đây)?
Tôi đã giải quyết vấn đề khó khăn nào trong cuộc sống/sự nghiệp? Tôi đã sử dụng kỹ năng, hệ thống hoặc kỹ thuật gì để giải quyết nó?
Tôi đã đạt được mục tiêu hoặc kết quả giá trị nào trong cuộc sống/sự nghiệp? Và làm thế nào tôi đạt được điều đó?
Kỹ năng hoặc lĩnh vực chuyên môn nào mà người khác (bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, v.v.) thường nhờ tôi giúp đỡ?
Trong toàn bộ quá trình làm việc của mình trước đây, Dung được biết đến và trả lương cho công việc nghiên cứu & phát triển sản phẩm. Mình cũng kiếm được nhiều tiền nhất nhờ những sản phẩm mà mình tham gia xây dựng. Mọi người cũng thường đến chia sẻ với Dung về ý tưởng và nhờ mình gỡ rối khi họ thực thi nó. Đó là điều mà Dung bắt đầu khi nghĩ đến chuyên môn của mình.
Khi nghĩ về ngách hẹp hơn, mình cũng đi từ câu chuyện của bản thân:
Mình từng sáng lập một sản phẩm công nghệ giáo dục đạt 3 giải thưởng quốc gia của các bộ ban ngành nhà nước. Nhưng sản phẩm lại khó kinh doanh trên thị trường bán lẻ. Rõ ràng chất lượng sản phẩm không phải là vấn đề. Và cho đến cuối cùng, nhu cầu thị trường mới là thứ mình đã không nhận ra từ ngày đầu tư xây dựng nó. Và mình đã mang câu chuyện này để đi về ngách hẹp - Kiểm chứng ý tưởng kinh doanh, tạo ra #productmarketfit khi kinh doanh chuyên môn.
Đi từ ngách Product, nhưng mình bắt đầu với ngách hẹp Validation - và điều này đã tạo dựng một sự nhất quán khi mình kinh doanh chuyên môn. Kết quả là: dù mình bắt đầu với 0 follower, thì chỉ sau 6 tháng đã có vị thế nhất định khi được liên tục nhắc tên với các từ khoá như: tiny product, kiểm chứng ý tưởng.
Nói cách khác, những vấn đề, thách thức, thất bại bạn đã vượt qua trong cuộc sống/kinh doanh có thể là một điểm khởi đầu tuyệt vời để sản phẩm hóa bản thân.
Bước 2: Tạo nội dung xoay quanh kỹ năng này
Khi đã chọn được một kỹ năng có thể kiếm tiền, hãy bắt đầu tạo nội dung xoay quanh chủ đề này để xây dựng đối tượng người xem của bạn.
Đây là chiến lược xây dựng đối tượng người xem của mình:
Chọn 1-2 nền tảng mạng xã hội và tập trung vào chúng. Với mình kênh ngắn (snack content) là Facebook, và kênh dài hơn (long-form) là Substack. Dù bây giờ bản tin 1.000 - 1.500 chữ cũng không còn là dài nữa, nhưng sự bắt đầu như vậy đã giúp mình có nền tảng để duy trì. Để gia tăng thêm sức ảnh hưởng chuyên môn từ những nội dung long-form, mình tạo ra kênh podcast Lật Ngược - với hình thức vừa nghe, vừa đọc bài viết phân tích. Đây cũng là 1 chiến lược của mình, vì nếu chỉ là host để đặt câu hỏi trong podcast, mình sẽ chưa thể thể hiện được hết năng lực phát triển sản phẩm cùng tư duy phân tích tổng hợp.
Cam kết một lịch đăng bài nhất quán. Snack content hàng ngày, long-form hàng tuần (2 bài/tuần, và mình có kế hoạch đẩy lên 3 bài/tuần)
Phân tích nội dung hoạt động tốt nhất và tăng gấp đôi các chủ đề phổ biến nhất (tìm các góc nhìn khác nhau để lặp lại những ý tưởng tốt nhất của mình). Cụ thể mình từng có series chia sẻ về Product Market Fit, tiếp đó là chủ đề Tiny Product sau khi nhận thấy những bài viết này được lan toả mạnh.
Kết nối với các nhà sáng tạo khác càng nhiều càng tốt, vì mạng lưới của bạn là tất cả. Hãy tương tác với nội dung của họ, gửi tin nhắn trực tiếp, chia sẻ bài đăng của họ, recommend cho họ, chia sẻ sản phẩm dịch vụ của họ (thậm chí là bán hộ họ) v.v. Đây cũng chính là cách mình hình thành nên những mối quan hệ cộng tác chất lượng, tạo ra các sản phẩm dịch vụ đồng giảng, và cùng chắp cánh cho nhau để gây dựng sức ảnh hưởng trong cộng đồng kinh doanh chuyên môn.
Bước 3: Xây dựng danh sách email
Bước tiếp theo trong việc sản phẩm hóa bản thân là sử dụng sự chú ý bạn tạo ra với nội dung của mình để phát triển danh sách email.
Danh sách email là tài sản có giá trị nhất của bạn khi kinh doanh chuyên môn độc lập. Nếu bạn không xây dựng danh sách email, bạn sẽ luôn phụ thuộc vào các công ty mạng xã hội:
Một thay đổi thuật toán qua đêm có nghĩa là bạn không thể tiếp cận 90% người theo dõi của mình.
Một sai lầm có thể khiến bạn bị cấm (hoặc bị giảm hiển thị). (Dung từ bị “ăn gậy” của Facebook đến 4 lần chỉ trong 7 ngày).
Nói cách khác, đối tượng người xem trên mạng xã hội là đối tượng bạn “thuê”. Nhưng danh sách email là đối tượng bạn thực sự sở hữu. (Bạn quyết định các quy tắc, bạn sẽ không bao giờ mất quyền truy cập vào đối tượng của mình, và đó là một tài sản kinh doanh thực sự có giá trị kinh tế.)
Đó là lý do tại sao mình sử dụng mạng xã hội để phát triển đối tượng người xem, và email để nuôi dưỡng và kiếm tiền từ đó.
Để khuyến khích đối tượng mạng xã hội của bạn tham gia danh sách email, hãy tạo một quà tặng miễn phí "không thể cưỡng lại" (như ebook, khóa học email, webinar, workshop) giúp mọi người giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Danh sách email đầu tiên mình xây dựng là từ Thử thách miễn phí Get your first customer in 5 days, và thu hút ~200 email. Mình đã bắt đầu từ con số đó, dù không phải email nào cũng là đối tượng khách hàng mục tiêu và active.
Danh sách email thứ 2 mình tạo ra có traffic thu hút khá tốt với ~200 email là Ebook 20 bài học xây dựng sản phẩm và kinh doanh chuyên môn (45 ngày tạo thu nhập $5.000 đầu tiên)
Gần đây nhất (tháng 9/2024) mình tổ chức Webinar miễn phí Solo Kickstart với 300 đăng ký, tỷ lệ show up xuất hiện trong webinar đạt 70% và gần như không rời bỏ trong webinar.
Cũng trong webinar này, mình tạo ra một ebook miễn phí nữa và cũng là món “hàng” chất lượng cho độc giả.
Bạn có thể biết khái niệm Lead Magnet, nhưng đằng sau nó, hãy hiểu bạn cũng đang tạo ra giá trị để thu thập dữ liệu bạn có thể sở hữu - đó là email list. Và bạn thấy đó, mình không cần chờ đến cả hàng ngàn email để kinh doanh, mình bắt đầu từ số 0, và vẫn đang tiếp tục với chỉ ~1.000 email mà thôi.
Bước 4: Tạo các sản phẩm/dịch vụ trả phí
Không có các sản phẩm/dịch vụ trả phí, bạn sẽ không thể kiếm tiền (một cách nhất quán) từ kiến thức và kỹ năng của mình. Các sản phẩm/dịch vụ trả phí được chia thành hai loại riêng biệt; sản phẩm số và dịch vụ số.
Sản phẩm số:
Sách điện tử
Khóa học mini
Khóa học online course (self learning)
Khoá học live training
Khóa học email
Thử thách
Membership
Cộng đồng trả phí
Dịch vụ số:
Coaching/Mentoring 1-1
Group coaching
Dịch vụ làm hộ
Ví dụ:
Sách điện tử: "30 ngày để tối ưu hóa LinkedIn của bạn" - giá 199.000 VNĐ
Khóa học nhỏ: "Làm chủ SEO trong 3 giờ" - 499.000 VNĐ
Khóa học chính: "Từ 0 đến Freelancer thành công" - giá 2.199.000 VNĐ
Cộng đồng thành viên: "Câu lạc bộ Doanh nhân Số" - 199.000 VNĐ/tháng
Dịch vụ tư vấn: Tư vấn chiến lược nội dung 1-1 - 1.500.000 VNĐ/giờ
Hầu hết các sản phẩm số đều có khả năng mở rộng, nghĩa là bạn chỉ cần tạo chúng một lần nhưng có thể tiếp tục bán đi bán lại mà không cần nhiều nỗ lực bổ sung.
Các dịch vụ số tốn nhiều thời gian hơn, nhưng bạn có thể tính giá cao hơn nhiều vì bạn cung cấp sự trợ giúp cá nhân hóa.
Cá nhân Dung tin rằng tốt nhất nên có sự kết hợp cả sản phẩm và dịch vụ số, để bạn có nhiều nguồn thu nhập thay vì chỉ dựa vào một nguồn.
Bước 5: Duy trì sự nhất quán với quy trình này
Tính nhất quán là chìa khóa khi là một doanh nhân kinh doanh chuyên môn độc lập.
Cần có thời gian để xây dựng đối tượng người xem, thiết lập bản thân như một chuyên gia, và tạo ra doanh thu ổn định.
Hãy kiên nhẫn với kết quả của các hành động của bạn. Đừng mong đợi phát triển đối tượng người xem, danh sách email và doanh nghiệp sáu con số chỉ sau một đêm.
Duy trì sự nhất quán trong hành động của bạn, và thời gian sẽ khuếch đại chúng để kết quả cuối cùng sẽ đến.
Nếu đang kinh doanh chuyên môn bán thời gian, bạn có thể thiết lập một lịch trình hàng tuần như sau:
Thứ hai: chia sẻ cảm xúc làm việc đầu tuần
Thứ ba-Thứ sau: Đăng 1 nội dung ngắn về chuyên môn mỗi ngày trên mạng xã hội
Thứ Bảy: Gửi bản tin email hàng tuần
Chủ Nhật: Lên kế hoạch cho tuần tới và tương tác với cộng đồng
Đối với Dung - fulltime solopreneur, nội dung của mình dày đặc hơn, mình thể thêm:
Thứ 6 2 lần/tháng: Phát hành podcast.
Gửi bản tin email 2-3 lần/tuần
Tổ chức tương tác cộng đồng định kỳ.
Tóm tắt:
Tất cả, quy trình 5 bước để "sản phẩm hóa" bản thân và biến kiến thức & kỹ năng hiện có của bạn thành một doanh nghiệp một người là:
Xác định một kỹ năng có thể kiếm tiền
Tạo nội dung xoay quanh kỹ năng này để phát triển đối tượng người xem
Chuyển đổi người theo dõi mạng xã hội thành người đăng ký email
Tạo các sản phẩm và dịch vụ trả phí
Duy trì sự nhất quán với quy trình này
Hành trình của mỗi người là duy nhất. Điều quan trọng là bắt đầu và liên tục điều chỉnh chiến lược của bạn dựa trên phản hồi và kết quả bạn nhận được.
Với sự kiên trì và đặt đúng kỳ vọng vào những gì mình đang có, bạn sẽ đủ bền bỉ để xây đắp cho doanh nghiệp tự thân của mình.
Feedback của chị có phải là "tiny product" trong bản tin của của em không heng? Cảm giác như "lần đầu được lên tivi nhà Dung" vậy á 😊
Hay quá chị ơi