Là đồng nghiệp, là vợ chồng, và cùng nhau quyết định dừng công việc công sở 8 tiếng để đầu tư kinh doanh chuyên môn tự do, Thành Công và Ngọc Ánh đã làm chủ “công ty tự thân” để xây dựng sự nghiệp chia sẻ tri thức của mình với tâm thế: cứ thử chiến đấu, cùng lắm thất bại thì lại xin việc đi làm thuê!
Trộm vía, sự thuận lợi đã mỉm cười với hai vợ chồng khi ngay trong năm đầu tiên, thu nhập cả hai đạt được gấp 3 lần thu nhập khi đi làm văn phòng, thậm chí có thời điểm thu nhập gấp 5 lần. Sự thuận lợi này chắc chắn không đơn giản chỉ đến từ may mắn. Và những thành công đầu tiên của Công và Ánh cũng không phải đặt nền móng chỉ trong 1 năm, mà đó là sự nối dài từ kinh nghiệm, mạng lưới mối quan hệ và những giá trị hai bạn đã chia sẻ trong nhiều năm.
Top 3 bài học để hành động từ Thành Công & Ngọc Ánh:
Định giá sản phẩm dựa trên những sự chuyển hoá mà khách hàng nhận được từ sản phẩm chứ không dựa trên giá trị của bạn hay số năm kinh nghiệm chuyên môn của bạn.
Mạng lưới mối quan hệ của bạn và những trải nghiệm bạn đã qua đều là những tài sản giá trị và là nguồn lực của bạn trong kinh doanh.
Khi thực hiện phỏng vấn, hãy dẫn dắt khách hàng đi từ mục tiêu lớn trong sự nghiệp và cuộc sống, dẫn đến vấn đề họ đang gặp phải và tác động của nó. Giúp khách hàng hệ thống lại vấn đề của họ và có thể chia sẻ lộ trình giải quyết sau khi kết thúc phỏng vấn.
1. Xây dựng sức ảnh hưởng
Nếu bạn đã từng nghe Podcast #1 với Hà Minh, bạn sẽ thấy một hệ sinh thái nội dung đồ sộ, đáng ngưỡng mộ với gần như tất cả các kênh mạng xã hội, bởi lẽ Hà Minh đi con đường của một content creator.
Nhưng trong tập này, với Thành Công và Ngọc Ánh, 2 người trực tiếp rẽ hướng từ “dân công sở” trở thành người kinh doanh chuyên môn tự do, bạn sẽ 1 mô hình rất đơn giản để có thể bắt đầu.
Về cơ bản, nền tảng của cả Công và Ánh đều xuất phát từ việc họ là những người trước đây làm trong doanh nghiệp về đào tạo nhân sự cho các tổ chức. Tệp khách hàng hiện tại đa dạng, nhưng thời gian đầu hướng tới những tổ chức, đơn vị đào tạo.
Vì thế, mối quan hệ trong quá khứ bổ trợ mạnh nhất và là tệp khách hàng thuận lợi, tiềm năng khi bắt đầu bước chân làm kinh doanh chuyên môn độc lập. Sang năm 2024, Công và Ánh cũng dịch chuyển nhiều hơn cơ cấu doanh thu sang sản phẩm dành cho doanh nghiệp.
Các nền tảng xây dựng sức ảnh hưởng, tuy lượng người theo dõi (follower) không quá lớn nhưng thực hiện được các điểm mạnh:
Tập trung nội dung phục vụ cho độc giả của mình và đã làm xuyên suốt trong nhiều năm.
Ít nền tảng nhưng đầy đủ và chất lượng: 1 trang cá nhân để thể hiện bản sắc, 1 website để thể hiện chuyên môn, 1 đường link để tìm hiểu đặt hẹn, 1 danh sách các sản phẩm dịch vụ.
Thành Công và Ngọc Ánh đều có chung những quan điểm về việc xây dựng uy tín và mối quan hệ với khách hàng, cụ thể:
Giữ tâm thế “cho đi” để liên tục trao giá trị. Điều này được thực hiện trong suốt nhiều năm từ khi còn đang làm công việc văn phòng, ví dụ hơn 40 buổi đọc sách miễn phí đã được Ánh thực hiện trong 3 năm, hay những workshop phi lợi nhuận tại cộng đồng Vietnam Learning Design mà Công đồng sáng lập.
Luôn tạo điều kiện để khách hàng có thể ngồi 1-1 với mình. Đây là cơ hội không những giúp tìm hiểu chính xác các vấn đề của khách hàng, mà Công cũng coi là cách mình trao giá trị luôn nếu thấy có những thông tin giúp được khách hàng ngay trong phiên 1-1 miễn phí này.
2. Xây dựng hệ thống sản phẩm dịch vụ
Hiện tại, Công và Ánh trợ lực với nhau trong hoạt động kinh doanh và cũng đi được rất nhiều bậc trong thang giá trị dịch vụ.
Ngoài ra, Thành Công cũng đóng gói các sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp với một số nội dung như:
Kỹ năng thiết kế chương trình đào tạo.
Kỹ năng giảng dạy trực tiếp & trực tuyến (dành cho đội ngũ giảng viên nội bộ).
Kỹ năng thuyết trình hiệu quả và chuyên nghiệp.
Trong 2023 - năm khởi đầu kinh doanh chuyên môn, 80% thu nhập của Ánh đến từ dịch vụ coaching 1-1 với bình quân 1 khách hàng/tháng và ~40 triệu VNĐ/gói khai vấn. Tuy nhiên, đến 2024, Ánh dự kiến sẽ nhân đôi tổng thu nhập trong năm bằng cách dịch chuyển sang các sản phẩm dành cho đối tượng doanh nghiệp (B2B) chiếm 40%, đóng gói dịch vụ khai vấn thành loại hình sản phẩm để giảm bớt thời gian trực tiếp làm việc với khách hàng cá nhân và cơ cấu 40% trong mức thu nhập, và còn lại là sản phẩm đồng hành cùng Công (Becoming a successful online trainer).
Dù có sự thuận lợi hơn vì cùng là vợ chồng kinh doanh, câu chuyện của Thành Công và Ngọc Ánh hẳn truyền cảm hứng rất nhiều cho bạn về việc chúng ta có thể kết hợp với nhau để tạo ra giải pháp hoàn thiện hơn cho khách hàng. Khi có thể thực hiện được lời hứa cao hơn, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn cho khách hàng, bạn có thể tạo ra sản phẩm với định giá cao hơn.
3. Những chia sẻ thú vị của Công & Ánh dành cho độc giả The Product of You
1. Định nghĩa thế nào là chuyên gia?
Đây có lẽ là lăn tăn và nỗi nghi ngại của nhiều bạn khi đang muốn bước chân vào nền kinh tế chuyên gia. “Mình có thật sự là chuyên gia không?”, “Liệu mình có đủ giỏi?”
Khi gõ những từ khoá về “Industry Expert”, “Expert Economy” hay “Creator Economy”, có muôn vàn định nghĩa về chuyên gia. Nhưng về cơ bản, trong nền kinh tế chuyên gia, bạn không đến mức phải “giỏi và có thành tựu rực rỡ” như định nghĩa truyền thống.
Đây là 10 điều giúp bạn trở thành chuyên gia trong chuyên môn của mình, theo chia sẻ từ trang speakflow.com mà Dung đã lược dịch.
Là người xây dựng khoá học trực tuyến với chuyên gia, đồng hành với chuyên gia, và bản thân cũng định vị là một chuyên gia, góc nhìn của Thành Công trong định nghĩa chuyên gia chia sẻ trong podcast này, là những người có 3 chữ “thật”: làm THẬT - có trải nghiệm THẬT - có kết quả THẬT. Đó là những người đã từng gặp phải một vấn đề cụ thể, đã học hỏi và trải qua nó và bây giờ có thể quay lại để giúp đỡ những ai cũng gặp phải vấn đề tương tự. Và vì thế, tất cả chúng ta dù đang ở trong giai đoạn nào, có thể chỉ ở mức 3-4 điểm trong một chuyên môn và kỹ năng cụ thể, có thể quay lại và giúp đỡ những người đang ở 0 và 1 điểm.
Hay một chia sẻ khác từ chị Linh Phan - thought leader trong xây dựng kinh doanh tri thức dành cho solopreneur, định nghĩa về chuyên gia để bạn có thể sẵn sàng, tự tin chia sẻ với người khác cũng có sự tương đồng chung.
2. Các câu hỏi phỏng vấn khách hàng
Dựa trên kỹ năng khai vấn (coaching) và framework khai thác insight khách hàng See - Do - Get, Thành Công chia sẻ những câu hỏi quan trọng để phỏng vấn khách hàng bao gồm:
Sự nghiệp mơ ước của bạn trong 1-3 năm tới?
Việc bạn muốn ra mắt khoá học trực tuyến (thuộc chuyên môn của Công) có tác động thế nào tới sự nghiệp mơ ước này?
Bạn hình dung sản phẩm của mình sẽ như thế nào?
Đâu là thách thức, khó khăn thực tế khi bạn xây dựng sản phẩm này?
Bạn nghĩ thế nào về xây dựng sản phẩm này? Bạn đang làm gì? Bạn làm như thế nào? Bạn có kết quả thực tế ra sao với cách làm đó?
Kết thúc buổi gặp khách hàng, bạn hệ thống hoá lại các vấn đề khách hàng đang gặp phải, lộ trình khách hàng có thể giải quyết nó như thế nào.
Đối với Công, những vấn đề có thể giải quyết được ngay bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn cách thực hiện nhanh chóng, Công sẽ xử lý giúp khách hàng ngay trong phiên phỏng vấn.
Đối với Ánh, Ánh xây dựng danh sách các khách hàng đã từng trao đổi với mình, và hàng tuần cố gắng thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin để hỏi thăm tình hình của 3 khách hàng. “Mỗi ngày 1 kết nối mới. Mỗi tuần hỏi thăm 3 kết nối cũ.”
3 chữ T của Công và Ánh bạn nên nhớ khi khởi sự kinh doanh chuyên môn:
THẤU HIỂU. Thấu hiểu khách hàng, kết nối với khách hàng, đặt khách hàng là trung tâm.
THỬ NGHIỆM. Thử nghiệm giải pháp, thử nghiệm đề xuất cho khách hàng, thử nghiệm chào bán.
TRAO GIÁ TRỊ. Trao thông tin, kỹ năng, tri thức và sự nhiệt thành của bản thân.
Tất cả các nội dung này đều là sự khai thác độc quyền và được cho phép của Phương Dung, Thành Công và Ngọc Ánh. Mọi sự sao chép, thu thập thông tin phải được trao đổi và nhận sự cho phép từ tác giả.
🥹 Bạn nghĩ sao với podcast này?
Mình muốn tạo ra những nội dung chất lượng nhất và cũng muốn giúp các bạn có thể thu nhận được những giá trị thực tiễn từ các bài viết này.
Nếu bạn có 3 giây, đây là 3 cách (miễn phí hoàn toàn) mà bạn có thể giúp mình:
❤️ Like = Mình sẽ tiếp tục chia sẻ các nội dung tương tự
🗣️ Comment = Mình ở đây để sẵn sàng nghe bạn!
🔗 Share = Yes, sẽ có nhiều nội dung nữa gửi đến bạn.
X3 thu nhập bằng sự tập trung vào khách hàng